Yếu tố tâm linh sâu sắc của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Trước khi thể hiện quan điểm của mình chỉ xin mọi người hãy tạm để đầu óc mình trống rỗng, và tưởng tượng mình là 1 người dân vùng bán đảo Đồ Sơn.
Đồ sơn là 1 bán đảo, cho nên từ xa xưa người dân đã sống bằng 2 ngành nghề chính là : đi biển và nông nghiệp. Nền nông nghiệp đã gắn bó với dân tộc ta từ ngàn năm trước, song hành với nó là 1 bản sắc văn hóa gắn liền với cây lúa nước, trên dải đất hình chữ S này, có đến hằng trăm ngàn lễ hội, và tất thảy đều có 1 điểm chung đó là tổ chức những lễ hội đó ra nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, yếu tố đó thực sự rất quan trọng với nông nghiệp.
Nhưng Đồ sơn cũng là 1 bán đảo, và hơn 2/3 dân số đang sống bằng nghề đi biển, không thì cũng đang kiếm sống dựa vào biển. Để hiểu biển cả là như thế nào, xin hãy thử 1 lần theo nhà thuyền ra khơi, nào sóng to, gió lớn, khi lênh đênh giữa biển 4 bề mây mù mịt toàn là nước,người ta mới thấy rằng, ngoài những hiểu biết về thủy thổ con nước, thì tâm linh cực kì quan trọng. Chỉ cần 1 cơn sóng dữ, 1 luồng gió giật ,có thể nhấn chìm và cướp đi sinh mạng của hàng chục người trên tàu. Có lẽ lý do đó, mà người dân Đồ sơn tin tuyệt đối với đấng tâm linh.
Những thông tin về nông- ngư nghiệp này thì liên quan gì đến lễ hội chọi trâu? Về mặc khoa học có vẻ không liên quan, nhưng tìm hiểu về lịch sử, và xét trên góc độ tâm linh thì lại cực kì thần bí và thuyết phục
Nhưng tóm lại, mổ xẻ về lễ hội thì chỉ càng thêm đau lòng, đây là lễ hội truyền thống, mà đã là truyền thống thì phải dựa trên quan điểm “ đức tin” và tâm linh. Người dân Đồ sơn tin rằng, làng ( phường) nào có trâu vô địch, thì năm đó làng ấy sẽ may mắn nhất. Và để tạ ơn Thần linh đã phù hộ thì phải chọn ra 1 lễ vật tinh túy- cao cả nhất, ấy là ông trâu vô địch để tạ ơn. Ông trâu vô địch được chọn là vật hiến tế thần Điểm tước, người cai quản Đồ sơn, cầu 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân đi biển hay làm nông nghiệp đều được măn mắn- bình an.
Nét đẹp trong phong tục
Xin mạn phép cuồng ngôn nói rằng : không 1 nơi nào trên đất nước Việt Nam có 1 lễ hội địa phương nào lại thu hút được toàn bộ sự quan tâm của người dân như lễ hội chọi trâu. Vì sao?
Ngay từ ngày mông 1/8 Âm lịch, các làng đã bắt đầu phần lễ. Cờ súy rợp trời, trống- chiêng đánh inh ỏi, thanh niên trai tráng mặc đồ lễ, sắp thành hàng trịnh trọng rước ông trâu ra Đình trình Thành hoàng. Đoàn đi tới đâu, dân tình đổ xô ra đến đó, người hớn hở, người hò reo, người thì gác tất cả công việc còn dang dở hòa mình cùng đám đông. Chứng kiến những cảnh đó, có cảm giác mình như không phải đang sống ở thế kỉ 21, mà là thời phong kiến. Không khí thì hào hùng, cám xúc thì lâng lâng, cứ như chuẩn bị cho 1 trận kháng chiến ngoại xâm ấy..
1 làng thì như thế, nhưng các làng lại cùng tiến hành nghi lễ như thế, thì liệu, người dân Đồ Sơn họ có hồ hởi không. 1 năm lao động vất vả, thấy lễ hội quê mình, bao nhiêu nhọc nhằn tan biến hết.
Trước Lễ hội vài ngày, hằng trăm thuyền đánh cá lũ lượt kéo về bến neo đậu dừng toàn bộ các hoạt động trên biển, toàn bộ học sinh trên địa bàn được thông báo nghỉ, trừ những người làm nghề dịch vụ, tất thảy đều được huy động tổng lực chuẩn bị những công việc cuối cùng hướng về lễ hội.
Buổi trưa trận chung kết, nếu như gia đình nào không có mấy lạng thịt trâu trên bếp, thì những ngày sau đó không thiết ăn uống gì nữa, không còn động lực làm việc.
Xin đừng nói những câu “ Thắng cũng bị giết, thua cũng bị giết..
Đúng là ông trâu vô địch cuối cùng cũng bị giết.Nhưng ông trâu vô địch là lễ vật đã được thống nhất từ trước, chỉ những lễ vật vô địch mới xứng đáng được lựa chọn là vật hiến tế. Chủ tế khi dâng lễ vật, nội dung xuyên suốt chỉ là cầu cho quốc thái dân an, cầu Thần che chở cho người dân bám sông bám nước được thuận lợi bình an.
Lễ vật dâng lên thần, còn lại thị dân thụ lộc. Thịt của ông trâu vô địch cực giá trị, vì đặc biệt, để lên ngôi vô địch, trước đó đã phải vượt qua mấy chục ông Trâu đặc biệt khác. Con người muốn sống thì phải ăn, trâu, hay bò lợn gà, đều là sinh vật gần gũi với con người, trừ ăn chay, còn tất cả đều là nhu cầu phồn thực. Không nên suy xét đó là ghê rợn hay dã man, bởi tất cả chúng ta hằng ngày đều ăn thịt để sống. Hoàn cảnh nào cũng vậy thôi.
Có người lại nói, lễ hội là cơ hội để làm giàu cho mấy ông tay to...
Có thể, người ta chỉ nhìn thấy mặt trái, thấy thịt trâu chọi bán với giá 2-5 triệu 1 cân. Và phiến diện hơn khi so với thịt trâu thường bán 2-300k ngoài chợ. Ít ai biết, để đưa được 1 ông trâu mộc về đến nhà trước khi nuôi dạy, thì chủ trâu đã phải bỏ ra số tiền 2-300 triệu. Còn tiền chăm sóc, huấn luyện suốt năm ròng, vào đến sới chung kết, chi phí cho mỗi ông đã lênđến 3-400 triệu. Nuôi đã vất vả, huấn luyện còn vất vả hơn. Đấu vòng loại, rồi mới đến chung kết, có khi nuôi 2-3 con cũng chả có con nào được vào vòng trong. Số tiền xẻ thịt trâu cũng chả lời lãi gì nhiều lắm, vì chi phí bỏ ra quá tội. Đành rằng đó là đam mê, là truyền thống, nhưng họ cũng cần có đồng vốn hoàn lại, chứ chả nhẽ cứ mãi mang tiền nhà đi phục vụ thú vui của mình. Chúng ta bỏ 4-5 triệu ra để mua 1 cân tôm Hùm, thì cũng nên thấy may mắn vì mua được 1 cân thịt trâu của ông trâu vô địch, ý nghĩa hơn nhiều. Tôi chưa từng thấy 1 ông chủ trâu nào giàu lên nhờ chơi trâu chọi cả, mà chỉ thấy những người chơi trâu đều là những người rất tâm huyết với đam mê…
Thế giới cũng có những lễ hội chọi động vật
Thế giới trời Tây nổi tiếng văn minh yêu động vật là thế, nhưng cũng có những lễ hội bản sắc dân tộc, Tây Ban Nha cũng có lễ hội đấu bò tót, Thụy Sĩ cũng có lễ hội đấu bò, Afghanistan, Kazakhstan thì có lễ hội đấu chó, Thổ Nhĩ Kì thì đấu lạc đà..
Thật khó để phán xét là man rợ, đọa đày hay không? Mỗi lễ hội đều có cội nguồn, là đặc sắc văn hóa truyền thống, thế nên mọi quan điểm chỉ là góc độ cá nhân.
Còn với lễ hội chọi trâu, tin chắc nó sẽ còn phát triển hơn nữa, đã có những năm người ta rộ lên tin đồn là sẽ cấm vĩnh viễn tổ chức. Nhưng đó là họ không ở Đồ sơn thôi, còn người dân ở đây thì họ nghĩ hoàn toàn khác. Tôi tin, dù chính quyền có cấm thì họ vẫn tổ chức chọi. Họ có thể không có ‘ hội”, nhưng “ lễ” để cống tiến Thần thì nhất định phải có.
Lễ hội hình thành nên từ tập tục truyền thống, mà đã là truyền thống thì khó bỏ, liên quan đến tâm linh thì càng phức tạp. Mỗi người nhìn lễ hội bằng 1 quan điểm khác nhau, có người thay hay, thấy đẹp. Nhưng dù có như thế nào, thì chúng ta cũng nên tôn trọng những giá trị truyền thống.
Lễ hội Chọi trâu Đồ sơn đã từng bị mai một đến trăm năm, nhưng vì sao cho đến nay vẫn không ngừng được khôi phục và hoàn thiện, đó là vì trong lòng dân luôn có lễ hội.
Nguồn FB Phạm Gia