Ông Hoàng Gia Bổn ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, là 1 trong số 5 người có nhiều cống hiến trong khôi phục, gìn giữ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian đợt đầu (năm 2013).
Từ khi Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục năm 1990 đến nay, gia đình Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn đã có 3 đời gắn bó với lễ hội. Đó là cụ Hoàng Gia Thứ (đã mất), bố của ông Bổn và 2 anh Hoàng Gia Ivan, Hoàng Gia Huyền, con trai của ông Bổn. Trâu của gia đình ông Bổn từng 2 lần giành giải nhất tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (2 mùa lễ hội năm 1995 và 2009).
Trò chuyện với Người Đưa Tin, Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn bật mí "bí quyết" chọn và chăm trâu chọi của người Đồ Sơn cũng như những huyền tích liên quan đến Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có lịch sử cả nghìn năm.
Trâu chọi hay phải hội tụ 11 tướng quý
Theo Nghệ nhân dân gian Hoàng Gia Bổn, trước kia, do điều kiện kinh tế và giao thông còn khó khăn, người dân quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, đa phần chọn mua trâu ở Thành phố và các tỉnh lân cận. Nay, để có trâu chọi ưng ý, nhiều người cất công tìm đến nước ngoài, như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào…
Đối với người am hiểu và có nhiều kinh nghiệm, trâu chọi hay phải đáp ứng 11 tiêu chí. Trong đó, dáng dấp hùng dũng; Lông da đen tuyền; Da dày; Sừng có độ vòng cung chuẩn mực; Đôi mắt nhỏ và đen; Đuôi trâu che kín phần hậu môn; Các móng khum hình bát; Đủ 4 khoáy; Miệng hàm đỏ tươi; Phần khoang bên cạnh sườn hẹp; Bộ phận sinh dục săn chắc.
Trâu chọi đáp ứng 11 tiêu chí trên là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là sự chăm sóc của chủ trâu. Thông thường, quá trình từ khi mua đến khi tham dự lễ hội thường kéo dài khoảng 1 năm. Có trâu do điều kiện đặc biệt, thời gian chăm sóc lên tới 5 - 6.
Trong quá trình chăm sóc, chuồng trâu phải bảo đảm đông ấm, hè mát, không có muỗi, ruồi. Về thức ăn, ngoài cỏ, còn cho trâu ăn thêm mía, khoai, ngô, cháo cám. Cách lễ hội khoảng 2 - 3 tháng, một số chủ trâu còn cho trâu uống mật gấu.
Giống như các vận động viên thành tích cao, trâu chọi thường xuyên được luyện tập (bơi, đằm bùn, lội đầm…) để tăng sự dẻo dai. Càng gần đến dịp lễ hội, giảm dần cường độ luyện tập và tính toán sao cho trâu chọi có "điểm rơi phong độ" tốt nhất trong ngày tham dự hội chọi trâu.
"Chủ trâu chỉ chăm sóc, bồi bổ giúp trâu khỏe mạnh, dẻo dai. Còn cách đánh và các miếng đánh khi "ra trận" là do bản năng của mỗi trâu, cái đó chủ trâu không huấn luyện được", Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn nói.
Lễ hội đem lại sự may mắn
Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn cho biết, theo truyền ngôn, trước kia các làng chài thuộc Đồ Sơn căn cứ vào suất đinh để góp tiền mua trâu chọi và thuê người chăm sóc trâu. Sau khi lễ hội chọi trâu kết thúc, trâu được hiến sinh và phần thịt chia đều cho các hộ dân theo suất đinh đã đóng góp.
Ngày đó, các bậc chức sắc trong vùng chia biển Đồ Sơn ra thành các vùng (khẩu săm). Làng chài nào có trâu giành giải nhất được quyền lựa chọn khẩu săm lắm tôm, nhiều cá nhất, thời gian đánh bắt trong 1 năm. Tiếp đó lần lượt là các làng có trâu giành giải nhì, ba… Vì thế, người dân trong vùng quan niệm, trâu càng giành giải cao, làng mình càng may mắn.
Từ khi Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục năm 1990 đến nay, chủ trâu có trâu đoạt giải được trao phần thưởng bằng tiền mặt. Tuy nhiên, quan niệm về lễ hội đem lại sự may mắn vẫn không thay đổi. Với các chủ trâu, được tham dự lễ hội đã là sự may mắn.
"Trong 2 năm gia đình tôi có trâu giành giải nhất, sau đó mọi chuyện đều thuận lợi, hanh thông từ sức khỏe đến kinh tế", Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn chia sẻ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Lưu Đình Nam, ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, chủ trâu nặng 1,3 tấn giành giải nhất tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023, cho biết, từ sau lễ hội, mọi việc của anh và gia đình đều thuận lợi và gặp nhiều may mắn hơn hẳn những năm trước.
Anh Nam cho biết thêm, số tiền thưởng nhận từ Ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023 do có trâu vô địch (100 triệu đồng), anh chia đều cho những người gắn bó, chia sẻ với mình trong quá trình chăm sóc trâu chọi.
"Số tiền bán thịt trâu vô địch (3,5 triệu đồng/kg - PV) được gần 850 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua, chăm sóc trâu tham dự lễ hội năm 2023, còn dư 400 triệu đồng. Tôi dùng số tiền này tiếp tục đầu tư cho trâu tham dự lễ hội năm nay. May mắn có trâu vô địch mới có tiền để dành, còn các chủ trâu khác đều từ hòa đến lỗ", anh Lưu Đình Nam thông tin.
Mặc dù cầm chắc hòa đến lỗ, nhưng người Đồ Sơn vẫn đam mê với lễ hội chọi trâu truyền thống của quê hương. Chỉ cần có suất chủ trâu tham dự lễ hội, họ không màng hay tính toán số tiền 300 - 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng để mua, chăm sóc trâu chọi. Một người không đủ kinh phí thì nhiều người chung tay.
Vì thế, những ngày này, về với vùng đất miền biển đầy nắng gió Đồ Sơn, đâu đâu cũng thấy tiếng trống hội rộn ràng để các trâu làm quen với bầu không khí lễ hội. Khắp các hang cùng ngõ hẻm, sôi nổi lời bàn luận về trâu này cách đánh hay, trâu kia có nhiều tướng quý. Chẳng ai than phiền đến sự lỗ lãi khi có trâu tham gia lễ hội.
Theo báo Người Đưa Tin