Lễ hội đua trâu làng ở Campuchia
Cứ vào tháng 10 hàng năm, tại ngôi làng Vihear Sour, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 40km về phía đông bắc, những con trâu khỏe mạnh nhất sẽ được tuyển lựa để tham gia cuộc đua trâu làng. Đua trâu làng là thời khắc đánh dấu sự kết thúc của dịp lễ Pchum Ben, dịp lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer nhằm ghi nhớ và tôn vinh tổ tiên.
Trong lễ hội này, người dân trong làng sẽ cưỡi trên lưng những con trâu được trang trí lộng lẫy với những chiếc mặt nạ rực rỡ sắc màu. Cự ly tranh tài khoảng 450 mét, là một một con đường đất hẹp dẫn tới chùa. Xung quanh là hàng nghìn khán giả cuồng nhiệt hò reo cổ vũ.
Ông Mey Chheang Heng, trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, truyền thống đua trâu tới chùa đã ra đời từ những năm 1920 nhằm kỷ niệm dịp lễ Pchum Ben.
“Đây là tập tục và truyền thống lâu đời tại chùa Vihear Sour. Cứ mỗi năm, người dân làng lại đem trâu, ngựa tới tham dự cuộc đua như một cách để cảm ơn những linh hồn đã coi sóc và phù trợ cho chùa”, người đàn ông 70 tuổi chia sẻ.
Chhoeun Chheang, một người tham gia cuộc đua trâu, cho biết anh đã góp mặt trong lễ hội nhiều năm liên tiếp để giữ gìn tập tục lâu đời và tốt đẹp này.
“Đây là truyền thống nguyên bản của người Khmer chúng tôi. Dựa trên tín ngưỡng xưa, tổ tiên chúng tôi thường xuyên cầu nguyện tới những linh hồn canh gác cho chùa, nhờ họ bảo vệ những con vật nuôi khỏi bị bệnh tật”, anh cho biết.
Cuộc đua chỉ nhằm mục đích giải trí, không phải để tranh giành thắng thua. Sau mỗi cuộc đua, những người nông dân lại cưỡi trâu trở về nhà và chúng lại đồng hành cùng người nông dân trong công việc đồng áng.
Đua trâu là sự kiện vui nhất trong năm của người dân làng Vihear Sour. Không chỉ thu hút người dân địa phương, lễ hội còn tạo không khí phấn khích cho nhiều du khách từ khắp nơi đến tham gia.
Lễ hội đua trâu Wing Kwai ở Thái Lan
Cũng giống như Việt Nam, Thái Lan là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Không quá khi nhận định, những người nông dân Thái Lan đóng vai trò xương sống trong nền kinh tế Thái Lan. Ngày nay, khi máy móc và công nghệ dần lên ngôi, gánh nặng sản xuất lên những “người bạn bốn chân” đã giảm đi nhiều. Nhưng trong quá khứ, những con trâu nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động canh tác sản xuất lúa gạo của nông dân Thái Lan. Chính vì mối quan hệ gần gũi và thân thiết với người nông dân, ở Thái Lan những con trâu từ lâu đã trở thành biểu tượng của nền nông nghiệp và nông thôn Thái Lan.
Được tổ chức vào tháng 10 hàng năm tại tỉnh Chonburi, lễ hội truyền thống Wing Kwai đã có cách đây hơn 140 năm, đánh dấu mùa mưa kết thúc và bắt đầu thu hoạch vụ mùa ở Thái Lan. Người dân tin rằng lễ hội này sẽ giúp trâu khỏe mạnh hơn, giúp mùa màng bội thu và người dân có cuộc sống no đủ hơn.
Chuyện cũ kể lại rằng, những nông dân Thái Lan đến Chonburi để chào hàng nông sản đã có những màn so kèo xem trâu của ai mới là nhanh nhất. Lâu dần, trò chơi nho nhỏ giữa những người nông dân đã phát triển thành một lễ hội quy mô nhằm tôn vinh di sản văn hóa nông nghiệp Thái Lan nói chung và những chú trâu đã giúp người nông dân nói riêng.
Theo kinh nghiệm của người đua trâu lâu năm, một con trâu đẹp, đủ tiêu chuẩn tham gia lễ hội phải là con đực, sức khỏe tốt, lông dày, đen bóng, ức rộng. Sau khi làm công việc đồng áng, trâu sẽ được tuyển chọn, chăm sóc theo chế độ riêng, thậm chí chúng còn được cho uống bia để thêm “hăng máu” trên đấu trường. Để cạnh tranh công bằng, trâu sẽ được phân loại theo hạng cân, gồm 5 hạng từ những con trâu nhỏ đến những con khổng lồ. Cuộc đua diễn ra trên con đường đất thẳng, dài hơn 1km.
Một con trâu tham gia cuộc đua có thể nặng tới hàng tấn. Chính vì vậy, việc điều khiển loài vật này không phải là điều dễ dàng. Trong khi đó, các tay đua không được mang theo một dụng cụ nào khác ngoại trừ một đoạn dây và một chiếc roi. Tốc độ tối đa mà một con trâu có thể đạt được là khoảng 50 km/h.
Điều này khiến việc giữ thăng bằng trên lưng của con vật khá khó khăn và chỉ những “tay đua” kinh nghiệm mới có thể điều khiển được những chú trâu “chiến binh” này.
Khi trận đua gay cấn kết thúc, trâu thắng cuộc sẽ được vinh danh và chủ trâu sẽ nhận được phần thưởng khích lệ khoảng 9.000 USD. Người dân địa phương cho rằng Wing Kwai là một lễ hội tôn vinh “người bạn của nhà nông”, những con trâu đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền nông nghiệp Thái Lan – một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Lễ hội nhập hồn trâu Kebo-Keboan
Lễ hội nhập hồn trâu Kebo-Keboan 2016 diễn ra tại làng Alasmalang, huyện Singojuruh, thành phố Banyuwangi ở tỉnh Đông Java, là một trong những lễ hội kỳ bí và gây tò mò nhất thế giới.
Khởi đầu lễ hội là lễ cầu nguyện tại mộ của Mẫu Karti – vị tiền nhân đã khởi đầu cho nghi lễ truyền thống này cách đây 300 năm. Người dân cũng sẽ chuẩn bị mâm cúng với 12 phần cơm gà “Tumpeng”, 5 phần cháo gạo nếp “Jenang Sengkolo” và 7 phần cháo gà “Jenang Suro”. Mỗi con số lại có ý nghĩa biểu trưng của riêng mình. Trong đó, 12 phần “tumpeng” đại diện cho 12 tháng trong năm, 7 phần “Jenang Sengkolo” đại diện cho 7 ngày trong tuần và 5 phần “Jenang Suro” đại diện cho 5 ngày họp chợ trong năm theo lịch Java.
Điểm độc đáo nhất của nghi lễ này là nhiều người dân làng tham gia hóa trang thành những con trâu. Họ dùng một chất màu đen bóng bôi lên toàn bộ cơ thể, đầu đội cặp sừng và đôi tai của con trâu, có phủ thêm một lớp sợi tua tượng trưng cho lông trâu. Mỗi một con “trâu – người” đeo một chiếc mõ trâu bằng gỗ gọi là “Kelunthungkayu” trước ngực và được điều khiển bởi một hay hai người nông dân mặc quần áo đen, đội mũ bằng chiếc thừng và một ngọn roi. Khi màn hóa thân đã hoàn tất là đến thời khắc người nhập hồn thành trâu, bắt đầu có những hành vi giống hệt như những con trâu ngoài đời thực. Những con “trâu người” có thể bỗng nhiên lồng té lên, mắt long sòng sọc, cúi xuống làm động tác gặm cỏ, hoặc xô vào các vị khách bên đường làm cả đám đông vô cùng phấn khích. Rồi đến màn trâu xuống ruộng cày. Cũng như ngoài đời thực, một số cánh ruộng ngập sâm sấp nước biến thành sân khấu để người nông dân điều khiển những con trâu diễn cảnh cày bừa. Tất cả như lên đồng với cảnh rượt đuổi xô nhau ngã xuống bùn.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Theo một số người dân địa phương, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bắt nguồn từ lễ hiến tế trâu để ngư dân Đồ Sơn không bị cá kình ăn thịt. Dân làng chài kể lại rằng dân chài thường bị cá kình ăn thịt nên đã lập đàn cầu thần linh phù hộ vào thượng tuần tháng sáu và hứa sẽ mổ trâu, mổ lợn lễ tạ. Sau đó hai tháng, vào một đêm mưa bão gió giật, sáng ra dân làng thấy xác cá kình chết hàng loạt, trên hầu có vết chim cắn, một loại chim thần giáng thế độ dân.
Từ đó, dân làng không bị cá ăn thịt nữa. Như đã hứa, hàng năm dân làng mang trâu đến lễ thần ở đền Nghè. Khi lễ, trâu dứt đứt dây, chọi nhau quyết liệt. Mọi người cho rằng thần linh thích xem trâu chọi. Bởi vậy hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội chọi trâu và ngày đó đã trở thành đại sự, ngày hội truyền thống của dân vạn chài.
Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại. Sau khi khôi phục, lễ hội chọi trâu không ngừng được nâng cao và hoàn chỉnh dần. Những nét cơ bản của tập tục cũ gắn với quan niệm tín ngưỡng thể hiện lòng biết ơn những ngư dân đầu tiên có công lập tám vạn chài bên các cửa sông Lạch Tray và Văn Úc, khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẫn còn giữ nguyên.
Hiện nay, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn mang đậm bản sắc và đầy đủ các nghi thức truyền thống dân gian. Tuy nhiên, cũng có những cải biến nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới.