Thực ra tin này không có gì mới vì nó đã được ủy ban thông báo từ trong năm rồi. Có điều càng gần đến ngày mở hội càng lắm chuyện để người ta bàn tán. Nào là năm trâu mở hội chọi trâu là đúng rồi, bao nhiêu năm bỏ bẵng giờ khôi phục lại thật thỏa lòng mong ước và phù hợp với truyền thống của làng. Nào là không biết ban tổ chức toàn những người ít tuổi như thế, có người chưa biết chọi trâu bao giờ liệu có điều hành được hội thi? Rồi thì là có cho trâu xã ngoài vào thi đấu không? Người bảo có, người bảo không. Ông thì bảo “chỉ được cái lo bò trắng răng. Cứ loe xoe cầm đèn chạy trước ô tô. Đến hôm đó rồi khắc biết”. Bà lại nói: “Không lo sao được. Nhỡ xảy ra chuyện gì thì mất rông cả năm chứ bỡn à?”.

Xôm nhất vẫn là chuyện đoán xem con trâu nào sẽ chiến thắng. Từ người già đến trẻ con ai ai cũng đưa ra những lập luận, minh chứng của mình rằng con trâu ấy sẽ vào đến chung kết, con trâu kia sẽ giật giải “khôi nguyên”. Bàn tán chán rồi dẫn đến cãi nhau ỏm củ tỏi như mổ trâu mổ bò. Duy chỉ có lão Chõe là chỉ chắp tay sau đít đi đi lại lại ở vòng ngoài nghe ngóng không tham gia góp ý gì. Cứ đến hồi căng căng là lão lại lỉnh sang đám khác. Chán trò thì lão lên đồi chỗ lũ trẻ chăn trâu ngắm hết con nọ đến con kia xem ra có vẻ đăm chiêu lắm.

Mấy vị nhiều tuổi trong làng thấy lão Chõe vậy thì tỏ ra nghi ngờ. Sao lão ta lại giữ mồm giữ miệng thế nhỉ? Chẳng bù cho mọi lần, bất cứ chuyện gì lão cũng xán đến tranh luận, “hăng tiết vịt” lắm cơ. Bao giờ lão cũng cãi chày cãi cối cho đến khi giành phần thắng mới thôi. Thế mà lần này lão ấy lại cứ mần thinh, lại còn đứng hàng giờ ngắm đàn trâu của làng nữa chứ?. Một hôm tay Tư toác vỗ đùi đánh đét một cái và oang oang nói với mọi người: “Thôi chết rồi! Đúng mẹ nó rồi! Lão ấy đang ngấm ngầm tính toán cho cuộc thi, lão này thâm thật. Bí mật tính toán định cướp giải của làng à”. “Thảo nào, tôi thấy bố con nhà lão ấy chăm bẵm con trâu chiến ghê lắm”. “Nghe đâu, lão ấy tậu con trâu này tận Tuyên Quang thì phải. Oách lắm nhé. Sao lại có con trâu đủ cả các tiêu chuẩn thế cơ chứ. Ức rộng, háng to này, cổ cò, đuôi trai, đít nhót này. Lại còn lưng tôm bà, sừng cánh cung nữa chứ. Loại ấy chiến phải biết”. “Thế thì phen này trâu nhà lão giựt giải là cái chắc”… Mỗi người mỗi ý bàn tán xung quanh con trâu nhà lão Chõe.

Quả thực, bố con nhà Chõe khi nghe tin mùa xuân tới làng mở lại hội chọi trâu đã khăn gói quả mướp lặn lội lên mãi tận Na Hang, Chiêm Hóa để tìm trâu chiến. Chọn mãi mới được con này. Dắt trâu về, ông bắt cả nhà tuyệt đối không được “nó”, “mày” với con trâu mà phải gọi là “ông trâu”. Ông trâu được tuân thủ một chế độ chăm bẵm đặc biệt. Không thả rông trên đồi như mọi nhà, lão Chõe bắt thằng Chụm dắt ông trâu ra tận bãi cỏ non ngoài bờ sông để thả. Cỏ mật ngọt thơm như thế, ông trâu tha hồ gặm, gặm đến no tròn bụng to như cái trống cái vẫn chưa chán. Ông trâu khoái lắm nhưng thằng Chụm thì lại hậm hực. Chỉ vì ông trâu mà nó phải thui thủi một mình chẳng có bạn mà chơi. Lão Chõe phải động viên, giải thích mãi về ý nghĩa của giải chọi trâu, bấy giờ thằng Chụm mới nghe. Nó hí hửng tưởng tượng ra cảnh ông trâu nhà nó xông lên, ghì đầu, móc sừng, húc ngã tất cả các con trâu khác của làng để giành giải nhất. Lúc trao giải, ông trâu lượn một vòng quanh trường đấu với một vòng hoa tươi thắm trên đầu. Còn nó cưỡi trên lưng ông trâu hiên ngang như một hiệp sĩ trước sự trầm trồ thán phục của mọi người. Chỉ nghĩ thế là nó quên ngay những cuộc trận giả, đùa nhau ỏm tỏi với lũ trẻ trâu làng, chấp nhận một mình với ông trâu nơi bờ sông hun hút gió.

Ngoài ăn cỏ mật non, ông trâu còn được bố con nhà Chõe cho thưởng thức rơm nếp thơm phức mỗi tối. Ăn sạch, uống sạch, chế độ ngủ nghỉ của ông trâu đâu ra đấy. Phòng dịch lở mồm long móng trâu bò, bà Choẽ lấy vôi bột rắc kín xung quanh chuồng trâu. Bà còn treo cành xương rồng ngoài ngõ để trừ tà ma y như nhà có gái đẻ cần phải kiêng cữ. Tối đến, trước khi đi ngủ, bao giờ vợ chồng lão Chõe cũng thay nhau rửa chân ông trâu bằng nước muối rồi mát sa chân cho ông ấy. Thấy sự lạ ông trâu đứng yên, ve vẩy cái đuôi, thở phì phì cho vợ chồng ông chủ xoa bóp. Xong đâu đấy, cu Chụm còn hòa cám với nước muối để ông trâu ăn bữa tối. Trong khi cu Chụm thao tác, ông trâu thè lưỡi liếm bắp chân lão Chõe từ dưới lên trên. Cảm giác ram ráp, ấm nóng từ bắp chân lão lan ra khắp cơ thể khiến lão Chõe đê mê, thích thú.

Một hôm, sau khi la cà khắp làng, thuốc lào chuyện vã, lão Chõe về nhà thấy cu Chụm đang loay hoay đút cái gì đó vào miệng ông trâu. Lão vội vã chạy tới. Trong tay thằng Chụm, cái chai đã ngập quá nửa trong miệng ông trâu. Ông quát:

– Mày đút cái gì vào miệng ông trâu thế?

Thằng Chụm giật mình, lúng búng đáp:

– Con cho ông ấy uống nước.

– Uống nước? Sao phải đút chai?

Thằng Chụm ậm ừ. Lão Chõe bước lại gần thấy nồng nặc mùi rượu.

– Mày cho ông trâu uống rượu phỏng?

Thằng Chụm gật đầu:

– Con nghe mấy đứa nó bảo cho ông trâu uống rượu mai kia vào trận chiến mới hăng.

– Giời ạ! Sao lại ngu đến thế! Ông Chõe gầm lên – Đổ rượu vào làm hỏng trâu đi chứ. Kinh nghiệm các cụ dạy rằng, con nào yếu, nhát đòn người ta mới cho uống rượu trước khi thi đấu. Có thế nó mới hăng, mới chiếm thế thượng phong. Đằng này, ông trâu nhà mình lực lưỡng như thế, dũng mãnh như thế, cần gì phải rượu. Có rượu vào gặp con ngang cơ chóng mệt lắm. Với lại, bây giờ mới đang là thời kỳ chăm bẵm, huấn luyện, đấu đá đâu mà rượu với chả chè!

Lão Chõe giật vội chai rượu ném ra vườn. “Trứng cứ đòi khôn hơn vịt”. Từ đó trở đi lão kiểm soát nghiêm ngặt chế độ ăn uống, chăn thả, luyện tập đối với ông trâu.

Mấy ngày Tết vèo qua nhanh chóng. Ra giêng khắp nơi mở hội. Trống giục, cờ giong. Trai tài, gái sắc đua nhau trẩy hội. Các bà mê mải đi lễ chùa. Bố con lão Chõe cắt cử nhau chăm ông trâu. Ông trâu được ăn cả bánh chưng, giò lụa. “Ông cố ăn cho tăng cường sức lực, mai kia vào trận phải quyết chiến, đánh dập đầu tất cả bọn chúng cho tôi nhờ. Ông phải làm vẻ vang cho dòng họ nhà Đỗ Chõe chúng tôi. Nhà tôi đã được danh hiệu gia đình văn hóa rồi, giờ giựt giải chọi trâu nữa thì tuyệt vời lắm. Dòng họ nhà tôi ơn ông lắm”. Lão Chõe vừa đút mấy lát bánh chưng cuộn với khúc giò lụa vào miệng ông trâu vừa tỉ tê vậy. Ông trâu ve vẩy đuôi, sì một cái có ý như là: “Chuyện vặt. Tôi chấp hết. Ông cứ yên tâm. Vô tư đi!”.

Rằm tháng giêng, bố con lão Chõe dắt nhau vượt sông Lô sang Lập Thạch xem hội chọi trâu. Một mặt, xuất hành du xuân lấy may. Mặt khác, quan trọng hơn là đi để xem trâu người ta đánh đấm thế nào để về còn kịp điều chỉnh huấn luyện tiếp. Hội chọi trâu làng ông mãi tận cuối tháng hai mới mở cơ. Mở trước Hội Đền Hùng mấy ngày, tha hồ thời gian cho việc điều chỉnh thế võ đánh đấm. Ông không ngờ lại gặp cả ban lãnh đạo xã ở đây. Tay chủ tịch xã bắt tay ông cười cười: “Chào ông Chõe. Ông cũng sang đây à? Cũng phải đi để học hỏi kinh nghiệm tổ chức ông ạ!”.

Có thế chứ. Thế mà cứ lo cánh trẻ không biết làm.

Sau hôm dự hội chọi trâu ở Lập Thạch về, bố con lão Chõe tập trung huấn luyện cho ông trâu miếng khóa cổ. Đây là miếng hiểm nhất, có tính quyết định cho trận đấu. Đánh đòn này dùng cả sừng, cả trán ghì kẻ địch, bốn chân làm bốn trụ chôn cứng xuống đất có voi húc cũng chẳng đổ. Chỉ cần giữ miếng vần cho đối phương mệt lử rồi dùng sức chuyển thế quật ngã địch là xong. Để cho chắc ăn cu Chụm còn lấy dao sắc bí mật gọt rũa hai cái sừng ông trâu nhọn hoắt rất lợi hại.

Trước hôm làng mở hội chọi trâu, lão Chõe sửa soạn mâm cỗ, tắm rửa sạch sẽ, diện khăn xếp, áo the kính cẩn đứng trước ban thờ lầm rầm khấn vái.

– Con lạy chín phương trời mười phương Phật. Con lạy… Kỷ Sửu niên nay, làng con mở lại hội chọi trâu. Tín chủ con là Đỗ Đình Chõe cùng phu thê là Lò Thị Tun, nam tử là Đỗ Đình Chụm, nữ tử là Đỗ Thị Mỹ Chõe, ngụ tại xóm Cổ Cò có nuôi được ông trâu cà Đỗ Thiện Chiến (tự nhiên lão lại nghĩ ra cái tên này cho ông trâu). Ngày mai, ông trâu Thiện Chiến nhà con vào sới thi đấu, con cắn rơm cắn cỏ lạy chín phương trời mười phương phật cho ông trâu nhà con chiến thắng, giật giải khôi nguyên làm vẻ vang cho dòng họ Đỗ Chõe. Lòng thành con sắm sửa xôi gà, nhang đăng, tửu nước cùng hoa quả kính mời các quan ngài về hương hoa hiến hưởng phù hộ độ trì cho tín chủ con. Cấn cáo.

Ông trâu Đỗ Thiện Chiến được tắm rửa sạch sẽ, ăn uống no nê. Cả nhà lão Chõe xúm quanh sờ nắn, xoa bóp ông trâu. Xóm làng náo loạn cả lên. Băng cờ khẩu hiệu chăng khắp nẻo đường. Loa đài inh oang mở to hết cỡ. Khách thập phương nườm nượp kéo về. Xe lớn, xe bé, người già, người trẻ nối đuôi nhau vào làng. Bãi đất rộng gần năm mẫu ven đê được rào kỹ xung quanh làm nơi mở hội. Đen đặc những người là người. Chưa bao giờ làng Cổ Cò lại đông vui đến vậy.

Các chủ trâu nghênh ngang đến tập trung. Con nào con ấy hằm hè, mắt vằn lên khí thế lắm. Lão Chõe sai thằng Chụm vào bốc thăm. Nó len mãi mới vào được bàn ban tổ chức. Đến nơi, còn nhõn một phiếu. Ông tổ chức mở ra đọc to: “27. Chín nước. Tha hồ may mắn nhé”. Lão Chõe ở ngoài hơi hậm hực. “Đội sổ. Nước mẹ gì. Dưng mà… Chín nước. Cứ liệu hồn. Hãy đợi đấy!”.

Ngày đầu tiên, ông trâu số 27 đã loại được ba đối thủ một cách dễ dàng. Ngày thứ hai, tiếp tục chiến thắng để vào vòng chung kết. Làng xóm xuýt xoa bàn tán, bình luận, cá cược. Người ta bảo “trâu nhà Chõe sẽ giật giải cho mà xem”. “Miếng khóa cổ của nó hiểm hóc thế cơ mà”. Cả nhà lão Chõe vui khôn tả. Hôm cuối cùng, tranh giải nhất nhì, bằng kinh nghiệm của mình lão Chõe cầm chắc phần thắng. Lão ăn mặc rất chỉnh tề. Com lê cà vạt, giày đen bóng lộn. Thì phải đàng hoàng để nhận giải khôi nguyên chứ. Lão tự nhủ như thế.

Đúng như lão và mọi người dự đoán, trận chung kết diễn ra chóng vánh. Con trâu số 27 ghì đầu vít cổ con trâu số 2 của nhà tay Phẻn chừng mươi phút thì nó bất ngờ lắc cặp sừng móc vào cổ đối thủ làm cho cổ con đối thủ rách toạc, máu chảy lênh loáng. Con số 2 đau quá, mất đà bỏ chạy tháo thân. Con 27 dồn đuổi con số 2 quanh sân làm cho bụi bay mù mịt trong tiếng reo hò như vỡ chợ của khán giả. Con kia cùng đường tìm được cửa thoát vọt ra thì lao ngay xuống cái ao đã được ban tổ chức tính toán đợi sẵn. Hai con quần nhau dưới nước một chập nữa thì con số 2 chìm nghỉm. Lão Chõe để nguyên cả bộ quần áo đóng hộp thế nhảy bừa xuống ao dắt con 27 lên. Người ta tung hê lão, ném hoa, quả, bánh kẹo, cả vỏ chai nữa về phía lão Chõe và con trâu 27. Tiếng loa vang lên rành rọt: “Ban tổ chức tuyên bố trâu số 27 của ông Đỗ Đình Chõe đoạt giải nhất. Xin mời ông Chõe lên nhận giải”.

Người lão Chõe lâng lâng như đi trên mây. Điều mơ ước bấy lâu của cả nhà ông đã thành hiện thực. Giữa lúc hân hoan nhất, lão Chõe chợt nhìn cu Chụm đang dắt ông trâu của mình sang khu giết mổ. Chỉ lát nữa thôi, dòng điện cực mạnh sẽ làm gục ngã ông trâu và người ta sẽ xả thịt lột da nó. Mọi người xúm đen xúm đỏ bám theo chờ mua thịt con trâu đoạt giải nhất. Tự dưng lão Chõe bần thần ứa nước mắt…

Theo Xuân Thu, báo Phú Thọ