Nơi phát tích tục chọi trâu tế thần
Cứ vào ngày mồng 1 tháng 8 Âm lịch hàng năm, tại đền Nghè (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn), nhân dân, các giáp, các phường lại tập trung về để tế lễ. Đây là ngôi đền “hàng tổng” của Đồ Sơn, bởi là nơi thờ “lục vị tiên công”, là 6 vị có công khai khẩn lập nên Đồ Sơn ngày nay. Đặc biệt hơn cả, nơi đây còn là nơi thờ “Điểm tước thần Vương” - thành hoàng của Tổng Đồ Sơn xưa.
Nguồn gốc của vị thần này bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa. Tương truyền, xưa kia vùng đất Đồ Sơn đang yên vui bỗng có một con thuỷ quái đến phá hoại các xóm vạn chài, bắt dân cư mỗi năm phải cũng cho nó một “thiện nam” tại vụng Mát. Trước sức mạnh và sự tàn ác của thuỷ quái, ngư dân vạn chài luôn cầu thần khấn phật ra tay cứu giúp. Được sự giúp đỡ của thần linh, vào một đêm hè, giông bão bỗng nổi lên, thuỷ quái bị giết, xác dạt vào bãi biển nơi mỏm Nghè, chân núi Ngọc.
Xóm vạn chài trở lên yên vui, cư dân Đồ Sơn đã tiến hành lễ cầu duệ hiệu. Sau 7 ngày, 5 đêm thì thấy hiện lên nốt chân chim trên mâm bột, từ đó Điểm Tước trở thành tên gọi của thành hoàng tổng Đồ Sơn. Người dân Đồ Sơn ngày ấy đã theo đúng chỗ đó dựng đền thờ thần Điểm Tước. Đêm 10-8 âm lịch năm đó, dân ấp qua đền thấy 2 trâu đang chọi nhau để vui lòng thần. Từ nguồn gốc của vị thành hoàng làng mà tục chọi trâu đã được hình thành ở Đồ Sơn và là tập tục rất lâu đời của người Việt cổ được lưu giữ cho đến ngày nay; trở thành một lễ hội đặc biệt, là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nhiều nghi lễ trang trọng
Lễ hội chọi trâu truyền thống được tổ chức vào những ngày đầu tháng 8 Âm lịch là cách mà người dân Đồ Sơn thể hiện sự tôn trọng, lòng biết ơn đối với vị thần hoàng làng của tổng Đồ Sơn xưa. Bên cạnh đó, lễ hội còn thể hiện sự khôn khéo, cân bằng trong lao động, vui chơi của người dân Đồ Sơn. Khác với lễ hội chọi trâu tại các địa phương khác, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức với nhiều nghi thức độc đáo, trang trọng.
Mở đầu là lễ dâng hương, thượng cờ được tổ chức vào ngày 1-8 Âm lịch. Vào ngày này, nhân dân và các giáp, các phường tập trung về để tế lễ. BTC Lễ hội sẽ thực hiện khởi trống khai hội, dâng hương khai lễ, thực hiện khóa lễ để báo cáo, xin thành hoàng làng cho nhân dân chính thức khai hội.
Đồng thời, cầu mưa thuận gió hòa để các kháp đấu diễn ra an toàn, sôi nổi. Sau lễ dâng hương, thượng cờ, quận Đồ Sơn lại long trọng tổ chức Lễ Rước nước tại đền Nghè vào ngày 7-8 Âm lịch. Đây được coi là linh hồn của phần lễ trong Lễ hội chọi trâu truyền thống; là nghi lễ tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với vị thủy thần hộ mệnh Hùng Trấn Điểm Tước cùng các bậc tổ tiên đã khai sơn, phá thạch, mở rộng vùng đất Đồ Sơn.
Vào ngày này, các phường rước chóe xin nước từ đền Nghè, rước nước “chân sơn” về thờ tại đình làng chuẩn bị cho ngày 8-8 Âm lịch mở hội tế lễ, ngày 9-8 Âm lịch mở Hội chọi trâu.
Ngay sau Lễ Rước nước, ngày 8-8 Âm lịch, tại đình làng các phương trên địa bàn quận, người dân tiến hành lễ trình trâu. Các trâu khoách lên mình chiếc áo đỏ và được người chăm trâu đưa từ nơi nơi chăm nuôi đến chính điện của đình. Kết thúc hồi trống, người chăm trâu sẽ đưa trâu quay một vòng như thể được nhìn về tứ phương chầu các thánh. Phía trong đình, hương sư cùng chủ trâu và đại diện các thành viên trong dòng họ có trâu ngồi lễ thánh cầu xin ngày lâm trận thắng lợi.
Lễ trình trâu kết thúc, cũng là lúc các trâu trở thành biểu tượng tâm linh của người dân địa phương và được gọi với cái tên trang trọng “Ông trâu”. Cũng trong đêm 8-8 Âm lịch, trước giờ diễn ra hội chọi trâu, Lễ lâm trận được tổ chức trang trọng tại đền Nghè và Sân vận động (nơi diễn ra hội chọi trâu), để cầu mong cho ngày hội chính với những kháp đấu diễn ra an toàn, các ông trâu tham gia giao đấu quyết liệt, hấp dẫn. Sau lễ Lâm trận, sáng 9-8 Âm lịch, phần hội thuộc Lễ hội chọi trâu truyền thống chính thức được tổ chức.
Phần hội kết thúc, để cảm ơn các vị thần đã phù hộ cho một mùa chọi trâu an toàn, thành công, ngay hôm sau (tức ngày 10-8 Âm lịch), BTC phải thực hiện nghi lễ Tế thần và đến ngày 16-8 Âm lịch tổ chức lễ tống thần. Khi mọi nghi lễ đã thực hiện đầy đủ, người dân Đồ Sơn mới yên tâm bắt tay vào lao động, sản xuất.
“Dù ai buôn đâu bán đâu, mồng chín tháng tám chọi trâu thì về. Dù ai buôn bán trăm nghề, mồng chín tháng tám thì về chọi trâu”. Hàng năm, cứ vào dịp này, người dân khắp miền đất nước không ai bảo ai đều tìm về với đất Đồ Sơn để dự lễ hội, để được hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và của người dân miền biển Đồ Sơn nói riêng.
Theo Cổng thông tin điện tử quận Đồ Sơn