16 “ông trâu” sẵn sàng xung trận
Những ngày trung tuần tháng 8, dù thời tiết nắng nóng như đổ lửa, những chủ trâu có các “ông trâu” chuẩn bị tham gia lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024 lại tất bật, cần mẫn chăm chút từng bữa ăn, giờ tập luyện cho trâu có sức khỏe tốt nhất, sẵn sàng bước vào cuộc tranh tài. Một trong những chủ trâu được nhiều người biết đến trong kỳ lễ hội năm 2023, với “ông trâu” nặng 1,3 tấn và giành chức vô địch, anh Lưu Đình Nam, đường Lý Thánh Tông, phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn) chia sẻ: Tiếp nối giải nhất năm trước, năm nay, tôi được một suất tham gia lễ hội là trâu số 16, nặng gần 1 tấn. Trải qua quá trình chăm sóc chu đáo, theo đánh giá của tôi, con trâu này hiện tại đạt 10/10 điểm, sẵn sàng tham dự lễ hội. Được biết, trong số 16 trâu tham dự lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024, chỉ có 3 trâu có trọng lượng nhỉnh hơn khoảng 1,2 tấn; còn lại đồng đều ở mức trên dưới 1 tấn mỗi trâu. Dự báo kỳ lễ hội năm nay sẽ rất gay cấn, khó đoán định vì các trâu ngang sức, cân tài.
Theo kinh nghiệm từ các cụ truyền lại, từ công đoạn chọn trâu, tập thể lực cho trâu, chăm trâu cũng lắm công phu và được các đời sau lưu giữ. Ông Đinh Đình Hùng, chủ trâu số 05, phường Hải Sơn (quận Đồ Sơn) cho biết: Tôi tham gia các lễ hội chọi trâu từ nhiều năm nay và giành được các giải nhì, ba. Đây là nét đẹp truyền thống của người dân miền biển, chúng tôi tự hào và cảm thấy rất hạnh phúc mỗi mùa lễ hội được vinh dự có suất trâu tham gia lễ hội. Dù bỏ ra nhiều công sức, kinh phí từ chọn mua các trâu từ các tỉnh phía Nam, Tây Bắc, thậm chí là các nước trong khu vực lân cận thông qua các thương lái, điều đặc biệt trâu tham gia lễ hội đòi hỏi tiêu chí, yêu cầu về hình thể khá cao. Trâu phải to khỏe, có khả năng chịu đòn tốt, trường trâu (dài trâu), chiều cao tối thiểu 1,4 m trở lên; dài 2,3 m; ngực 2,38 m; trung bình trọng lượng 1 tấn đổ lại. Thường trâu tốt là trâu có da đồng, lông móc, hàm đen, khoang bốn khoáy, lông cứng và dày để tránh nắng, đuôi chai, móng sò, cổ có 1 khoang trắng, sừng trâu đen như mun, vênh lên như hai cánh cung.
Các nghi thức độc đáo được lưu truyền
“Dù ai buôn đâu bán đâu/Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về”, câu ca cổ lưu truyền bao đời để nhắc nhớ về lễ hội chọi trâu truyền thống của người dân miền biển Đồ Sơn, với bao kỳ vọng về mùa ra khơi mưa thuận, gió hòa, bội thu. Với người dân Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu đã ăn vào máu thịt và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam từ năm 2013. Lễ hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ với những lễ nghi trang trọng, thấm đẫm văn hoá tâm linh của người Đồ Sơn. Phần hội với những pha đấu gay cấn, quyết liệt, những miếng đánh hay, dũng mãnh của những “ông trâu” được chọn lựa, chăm sóc, huấn luyện kỳ công… mang đến cho du khách và nhân dân những cảm xúc bất ngờ hồi hộp, những ấn tượng tốt đẹp, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển.
Theo Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn, để chuẩn bị lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024, ngày 11-7, UBND quận Đồ Sơn ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND, theo đó lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 sẽ có 16 trâu tham dự. Cùng với suất phân bổ đồng đều cho 6 phường, mỗi địa phương 2 trâu, các phường: Vạn Hương, Ngọc Xuyên, Hải Sơn, Minh Đức, mỗi phường có thêm 1 trâu do có trâu đoạt giải nhất, nhì, đồng giải ba tại lễ hội năm 2023. Phần lễ của Ban tổ chức lễ hội cấp quận gồm dâng hương, thượng cờ khai hội; rước nước, thần linh; tống thần, diễn ra từ 3-9 đến ngày 18-9. Phần lễ của Ban tổ chức lễ hội cấp phường gồm các lễ: thượng cờ khai hội; rước nước; các giáp trâu vào hội; thần linh; rước Thành Hoàng làng dự hội; hiến sinh trâu vô địch; tế thần; tống thần, diễn ra từ 3-9 đến 18-9. Phần hội chọi trâu được tổ chức từ lúc 7 giờ 30, ngày 11-9 tại Sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn. Lễ hội chọi trâu năm nay, địa phương tiếp tục siết chặt các quy định, nhất là bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, du khách tham dự lễ hội, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra chất lượng trâu tham dự lễ hội cũng như các hoạt động giết mổ và buôn, bán thịt trâu…
Điểm mới của lễ hội chọi trâu truyền thống năm 2024 là hội thảo khoa học sẽ được tổ chức với chủ đề “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”; chương trình văn nghệ chào mừng 35 năm khôi phục và phát triển lễ hội; tuyên truyền lưu động; khen thưởng cấp thành phố các tập thể, cá nhân có thành tích qua 35 năm khôi phục và phát triển lễ hội. Việc tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống không chỉ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Đồ Sơn - Điểm đến bốn mùa, thu hút ngày càng đông du khách đến với Đồ Sơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Thảo Anh, báo Hải Phòng