Theo Tiến Bảo - Báo Kinh Tế Đô Thị
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề liên quan lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn với nhiều nét đặc sắc riêng biệt có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại Vương, vị thần của mảnh đất Đồ Sơn; có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với những yếu tố văn hóa của cư dân ven biển, gắn liền việc thờ cúng thủy thần, thể hiện sức sống nội sinh, bền lâu, mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của Nhân dân.
Ngày nay, lễ hội không chỉ là di sản văn hóa quý báu mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của cả nước nói chung và của vùng đất Đồ Sơn, Hải Phòng nói riêng.
Với những nội dung mang giá trị độc đáo của mình, ngày 27/12/2012, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là niềm vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm to lớn của Đồ Sơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển lễ hội cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Trải qua 35 năm khôi phục và phát triển, lễ hội đã không ngừng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng, đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hóa truyền thống của “tiền nhân” để lại.
Bên cạnh những thuận lợi và phát triển, lễ hội cũng gặp không ít những khó khăn. Kể từ năm 2018, thực hiện Nghị định của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, quy định không được bán vé nên công tác tổ chức, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí cũng như việc kiểm soát và bảo đảm an toàn cho du khách đến lễ hội.
Trước tình hình đó, quận Đồ Sơn đã xây dựng các phương án huy động kinh phí để tổ chức (từ các chủ trâu, ủng hộ cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận, trong và ngoài thành phố; kết hợp doanh nghiệp lữ hành…). Tuy nhiên các nguồn huy động này đều mang tính chất không ổn định, thiếu bền vững và gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến công tác tổ chức, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu tập trung nghiên cứu, làm rõ các nội dung: thực trạng công tác quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu hiện nay; việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn; lễ hội chọi trâu và sự nuôi dưỡng tinh thần thượng võ của người Việt; khai thác giá trị văn hóa của lễ hội trong việc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng; lễ hội chọi trâu với phát triển du lịch; vai trò của Nhân dân trong lễ hội chọi trâu - nơi lưu giữ “hồn cốt” của dân tộc, tinh hoa của lễ hội...
Với sự tham gia, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học của Trung ương, TP Hải Phòng và quận Đồ Sơn; các chủ trâu, hội thảo đã tạo nên góc nhìn toàn diện, đầy đủ về những kết quả đạt được trong 35 năm khôi phục và phát triển. Đồng thời khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; những tồn tại, khó khăn trong công tác tổ chức, bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội; tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương. Đồng thời đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.