Là một tập tục cổ tồn tại từ rất lâu đời và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013, lễ hội cho đến nay vẫn duy trì sức hấp dẫn không chỉ bởi những trận đấu nảy lửa của những “Ông Trâu” mà còn cả bởi những câu chuyện đặc sắc bên lề xoay quanh sự kiện văn hóa độc đáo này.

Hội chọi trâu Đồ Sơn là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Được tổ chức vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm, đây là hình thức sinh hoạt văn hóa phản ánh cuộc sống vật chất và tâm linh của cộng đồng người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn tự bao đời nay.

Cũng như nhiều lễ hội khác, hội chọi trâu Đồ Sơn có nguồn gốc từ lâu đời. Cuốn Lịch sử Người Hà Nội của Hà Ân có viết: " Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đến xem hội chọi trâu Đồ Sơn đã gặp Kỳ Vỹ, người đã cứu Nhượng Vương thoát chết khỏi nạn cướp nên đã kết nghĩa làm anh em". Vậy theo sách này tục chọi trâu đã có ít nhất từ thời Trần.

Tuy nhiên, cho đến nay hiện vẫn chưa xác định được chính xác lịch sử hình thành lễ hội chọi trâu. Vậy nhưng trong dân gian, lịch sử lễ hội vẫn luôn gắn liền với nhiều truyền thuyết, sự tích mang màu sắc nội dung khác nhau được người dân truyền miệng suốt hàng trăm năm qua.

Thần tích Tước Điểm Đại Vương

Sách Đồng Khánh Địa Dư Chí Lược (biên soạn vào triều Nguyễn) cho rằng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng có liên quan thần tích "Tước Điểm Đại Vương" - vị tôn thần của người dân vạn chài nơi đây (Điểm Tước có nghĩa là vết chân chim)

Cụ thể, sách Đồng Khánh Địa Dư Chí Lược ghi rõ: " Đền Hùng Trấn Tước Điểm Thần thờ thuỷ thần Đồ Sơn trên Núi Tháp thuộc huyện Nghi Dương. Tương truyền, dân ba xã Đồ Sơn sống bằng nghề chài lưới, vẫn muốn lập ngôi đền để thờ thuỷ thần, có người trong xã mộng thấy Thần Thuyền nên dựng đền trên núi Tháp, ngày hôm sau người đó lên núi thấy một đàn chim sẻ quây lượn trong giây lát rồi bay ra phía biển. Dân Đồ Sơn dựng đền trên núi. Hội chọi trâu được tổ chức hàng năm vào mùng chín tháng Tám âm lịch hàng năm là ngày đại sự.

Nguồn gốc hội chọi trâu còn được sách Đồng Khánh Dư Địa Chí Lược ghi lại qua lời tương truyền: " Xưa có người dân trong xã đi qua đền Hùng Trấn Tước Điểm Thần thấy hai con trâu húc nhau, thấy động chúng bỏ chạy xuống biển. Về sau, dân xã Đồ Sơn mở hội chọi trâu vào ngày mùng 9 tháng 8 âm lịch hàng năm và cho rằng trong ngày hội thế nào cũng có trận mưa to gió lớn. Đó là thuỷ thần Đồ Sơn hiển linh.

Huyền tích Bà Đế

Cũng có câu chuyện khác cho rằng lịch sử lễ hội gắn liền với huyền thoại về cô thôn nữ tên là Đế có tiếng hát mê hồn quyến rũ đã đến tai vua Thuỷ Tề.

Hồng nhan bạc phận, nàng bị oan với tội hoang thai. Hôm nàng bị dìm xuống nước, mây vần vũ, trời âm u, biển cả như thể nổi giận với từng đợt sóng chồm lên. Ba lần bọn hào lý ném nàng xuống biển là ba lần sóng đưa nàng nổi lên. Cuối cùng, chúng đã dùng dây thừng buộc nàng vào cối đá, ném xuống.

Vua Thuỷ Tề chỉ chờ có vậy đón nàng về làm vợ. Bãi biển vua Thuỷ Tề đón nàng về cung bỗng dưng có rất nhiều tôm cá. Vì thế, người ta bèn tổ chức chọi trâu, mỗi một vạn chài được phép mang một con trâu ra thi đấu. Trâu của vạn chài nào thắng, tức là năm ấy vạn chài ấy được độc chiếm bãi cá. Đồng thời, con trâu thắng cuộc được dùng vào tế thần, cầu mong thuỷ thần phù hộ cho dân chài Đồ Sơn quanh năm được mùa tôm cá.

Những nhà nghiên cứu đã chỉ ra truyền thuyết dìm chết nàng Đế là một thực hành của tục hiến sinh các cô gái cho Thủy Thần có từ thời kỳ nguyên thủy đến thời sơ kỳ phong kiến. Đây là phong tục có tính phổ quát toàn thế giới khi con người còn trong xã hội nguyên thủy. Phong tục này còn dấu tích trong truyện Thạch Sanh của Việt Nam qua chi tiết hàng năm dân làng phải cử một chàng trai đi canh miếu thần, thực chất là đi nộp mạng cho chằn tinh. Về sau việc hiến sinh một con người được thay bằng một con vật quý như hiện nay.

Thần tích cá Kình

Cũng có thuyết cho rằng lễ hội bắt nguồn từ lễ hiến tế của ngư dân để thần linh phù hộ không bị cá kình ăn thịt. Chuyện kể rằng dân chài thường bị cá kình ăn thịt nên lập đàn cầu thần linh phù hộ vào thượng tuần tháng sáu và hứa sẽ mổ trâu, mổ lợn lễ tạ. Sau hai tháng, vào một đêm mưa bão gió giật, sáng ra người dân thấy xác cá kình chết. Trên hầu có vết chim cắn, một loại chim thần giáng thế độ dân. Từ đó, người bắt cá không bị cá kình ăn thịt nữa. Giữ lời hứa với thần linh, hàng năm dân làng đi mua trâu về lễ thần ở đền Nghè. Khi lễ ở đền Nghè, chúng đứt dây, chọi nhau quyết liệt. Các cụ cho rằng thần linh thích xem Trâu chọi. Bởi vậy hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội chọi trâu và ngày đó đã trở thành đại sự, ngày hội truyền thống.

Huyền tích Quận He Nguyễn Hữu Cầu

Thế kỷ XVIII trong lịch sử VN được coi là thế kỷ của khởi nghĩa nông dân vì chế độ phong kiến Lê Mạt đã khủng hoảng toàn diện đòi hỏi một sự thay đổi đến tận gốc. Trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, không thể bỏ qua cuộc khởi nghĩa của Quận He Nguyễn Hữu Cầu ở Hải Phòng.

Chuyện cũ kể rằng: " Sau khi tập hợp số quân còn lại sau cuộc đàn áp triều đình vào năm 1741, Nguyễn Hữu Cầu kéo quân về Đồ Sơn xây dựng lực lượng. Mỗi khi đánh trận thắng ông thường mổ trâu khao quân. Những con trâu dứt dây lao ra, chọi nhau quyết liệt. Quân sĩ thấy thế hứng khởi reo hò vang dội. Kể từ đó, hàng năm, Nguyễn Hữu Cầu mở hội chọi trâu để cổ vũ động viên tinh thần quân sĩ.

Công tác khảo cứu nguồn gốc Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn khó có thể hoàn thiện trong một sớm, một chiều, thực tế lịch sử có, huyền thoại cũng có. Chỉ biết rằng lễ hội ấy vẫn luôn được hưởng ứng, mãi mãi là sản phẩm văn hoá tinh thần vô giá của cư dân miền biển Đồ Sơn nói riêng và người Việt Nam nói chung.