Như nhiều lễ hội khác, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng có hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm những nghi thức truyền thống, trang trọng, mở đầu là lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng, được thực hiện từ ngày 1/8 âm lịch, do các vị cao niên trong làng đảm nhiệm. Lúc này, các làng có trâu chọi đều phải ra làm lễ. Cũng trong ngày này, lễ thượng cờ khai Hội sẽ được thực hiện.
Tiếp theo là lễ rước nước, có gắn với tục tế Thuỷ Thần vào ngày 7/8 âm lịch. Lọ nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng (phường) mang về đình riêng. Nước được lấy từ giếng ở miếu Nghè hoặc ở suối Rồng về đình làng và cúng tế với 10 ván xôi, 5 gà giò, 1 mâm cỗ mặn, 1 mâm cỗ chay, 5 lít rượu ngon để cúng thánh và trình làng. Tại đình làng, các chủ trâu được cho trâu ra làm lễ Thành Hoàng. Sau khi làm lễ, trâu chọi sẽ chính thức được gọi là "ông trâu", là biểu tượng tâm linh, đại diện cho niềm tin và ước vọng của người dân nơi đây
Sáng ngày chính hội, 9/8 âm lịch, dân cư trong các làng (phường) đều kéo ra đình. Chủ tế các làng làm lễ xin phép Thành Hoàng đưa “ông trâu” đi thi đấu. Khoảng 6 – 7 giờ sáng, tổ chức lễ rước “ông trâu” ra đấu trường. Dẫn đầu đám rước là cờ ngũ sắc, trống, chiêng, long đình, long kiệu, bát bửu. Người khiêng long đình, long kiệu, trống, chiêng chít khăn đỏ, mặc áo đỏ viền vàng, thắt lưng và quấn cạp đỏ. Người gọi loa đội khăn xếp, mặc áo lương đen, thắt lưng bố hậu đỏ, quần trắng. Theo sau là các bô lão, chức sắc và thứ tự các ông trâu, trên lưng được chùm một tấm vải đỏ, sừng quấn một dải lụa điều. Đi bên cạnh mỗi ông trâu có hai chàng trai tay cầm cờ đuôi nheo để múa. Lễ rước các “ông trâu” rộn rã trong tiếng nhạc bát âm, cờ bay phất phới
Khi ông trâu bước vào khu tập trung riêng, tiếng trống, tiếng loa nổi lên dõng dạc, đổ hồi tạo nên không khí náo nức của ngày hội .
Tiếp theo là nghi thức múa cờ khai hội được 24 tráng niên của làng (nay là 50 người) chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, biến hoá linh hoạt trong những âm thanh của trống, thanh la, thể hiện ước nguyện cầu mong thần phù hộ cho thuyền bè thuận gió ra khơi. Những lá cờ vung lên quật xuống mạnh mẽ, dứt khoát, nhịp nhàng, có lúc đan chéo vào nhau như hai đội quân đang giao chiến, thể hiện sự dũng cảm của con người chống chọi với biển khơi. Đúng 8 giờ, tiếng trống, tiếng chiêng khai hội, dịch loa gọi các ông trâu vào trận vang lên rộn rã.
Đúng 8 giờ, múa cờ vừa dứt, từ hai phía hai “ông trâu” được dẫn vào xới. Khi hai “ông trâu” cách nhau 20 m, người dắt nhanh chóng rút “sẹo” cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai ông trâu được tự do lao vào chọi nhau giành thắng bại
Để kết thúc lễ hội chọi trâu, người dân nơi đây sẽ rước trâu vô địch về thành hoàng vào ngày 10/8 âm lịch để làm lễ tế thần trong ngày kế tiếp. Chú trâu này sẽ được đem ra giết mổ phục vụ cho việc cúng tế. Đầu, đuôi, một bát tiết, một nhúm lông được coi là những vật phẩm cần phải có để tế thần linh. Phần thịt trâu sẽ được chế biến cho cả làng cùng ăn.
Theo cuốn “Tản mạn lễ hội chọi trâu Đồ Sơn” thì sau khi tế thần người ta đem đĩa tiết và mấy cái lông cổ trâu ra gốc đa hay bờ ao, bờ ruộng hất xuống đất để hiến thần theo lệ “ăn lông, ở lỗ” của người nguyên thủy.
Vào ngày 16 tháng 8, làng tiến hành nghi thức “tống thần” và rã đám, kết thúc lễ hội.